Có lẽ vào thời khắc gặp gỡ Nhạc Mãn Thi, Sở Hoài Viễn không ngờ rằng cô gái này một ngày kia sẽ trở thành người mà anh mãi mãi không quên, trở thành người mà anh tâm tâm niệm niệm cho đến tận lúc chết.
Bất cứ ai từng gặp Nhạc Mãn Thi trước năm cô hai mươi tuổi, hẳn đều sẽ có một suy nghĩ rằng, cô gái này sao mà hồn nhiên quá đỗi, không hiểu vì sao cô lại có thể luôn tràn đầy năng lượng và sức sống như vậy, khiến cho những người xung quanh cô cũng không kiềm chế được mà cảm thấy vui vẻ.
Nhạc Mãn Thi cô thông minh, nhạy cảm, song cũng là người hạnh phúc nhất thế giới, bởi lẽ ở cái tuổi hai mươi ấy, khi bạn bè đồng trang lứa không ít người đã chạm trán nỗi đau và hiện thực tàn khốc mà oằn mình trưởng thành, thì cô vẫn cứ ở mãi thế giới cổ tích của mình, nhìn nhận mọi sự vật, sự việc một cách trong sáng và hồn nhiên.
Cô thích lắng nghe tiếng gió, tiếng lá cây trò chuyện, tự vẽ ra trong đầu vô số những câu chuyện của vạn vật trên thế giới. Cô tốt bụng, thích giúp đỡ người khác. Ở cô không chỉ có ánh sáng tràn đầy sức sống của tuổi trẻ, mà còn có ánh sáng chỉ thuộc về riêng mình, sự dịu dàng, tinh tế của cô khiến người khác bị cuốn hút.
Nhạc Mãn Thi hai mươi tuổi ấy, đích thị là một cô gái đáng yêu, ngọt ngào, tựa như đóa hoa đang thời kỳ nở rộ nhất.
Mà Sở Hoài Viễn, lại vừa vặn gặp cô vào lúc ấy.
Ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy cô, Sở Hoài Viễn đã nghĩ rằng, “Cô thuần khiết tựa mây, vô tư tựa bầu trời, sáng chói tựa ánh dương. Vì những lẽ đó, cô cũng nên giống như làn mây trắng, bầu trời xanh và ánh mặt trời của ngày hôm nay, trở thành một lý do để anh cảm thấy hân hoan mới phải.”(*)
Sở Hoài Viễn là giảng viên môn Ngôn Ngữ học của đại học L, trẻ tuổi thành đạt, tiền đồ rộng mở, là hình mẫu lý tưởng của biết bao chàng trai, cô gái. Anh rất tâm huyết với nghề, cách giảng bài cuốn hút, dễ hiểu, cũng vì vậy mà Nhạc Mãn Thi, dù trước đó vốn không hề thích môn Ngôn Ngữ học, nhưng cũng lén đăng ký học lớp của anh. (Bài viết được post full và sớm nhất tại Reviewtruyen247)
Hai người lần đầu gặp nhau trên sân trường, rồi tới giảng đường, mỗi lần đều vô ý lưu lại trong lòng đối phương một ấn tượng đặc biệt. Hai người tâm đầu ý hợp, thậm chí khi nói chuyện với Nhạc Mãn Thi, Sở Hoài Viễn còn nghĩ rằng trên đời này, không ai hiểu anh bằng cô. Cô chính là tri kỷ của anh, nghìn cầu khó gặp.
Họ cùng nhau nói chuyện học thuật, tâm sự chuyện bản thân, dạo chơi ở những nơi bí mật chỉ thuộc về riêng họ: khu vườn u ám trong khuôn viên đại học, vịnh biển mà cả hai tự đặt tên là vịnh Minh Nguyệt... Mối quan hệ của Sở Hoài Viễn và Nhạc Mãn Thi bắt đầu rất tự nhiên và thuần khiết: chỉ là tình thầy - trò bình thường, hay chăng xa hơn là sự gặp nhau của những tâm hồn đồng điệu mà thôi. Ngẫm lại cũng thật kỳ lạ, một người đàn ông ba mươi chín tuổi và một cô gái hai mươi tuổi, cách biệt nhau gần hai mươi tuổi song lại hoà hợp, thấu hiểu đối phương một cách kỳ diệu.
Nhưng nếu chỉ có như vậy thôi, cả hai người đều sẽ hạnh phúc và vô tư biết bao với mối quan hệ này. Thời gian dần trôi, từ yêu mến đến thân thiết, họ bắt đầu nảy sinh những tình cảm không thể khống chế nổi. Khi họ bắt đầu nhận ra điều ấy, thì mọi khổ đau bắt đầu tấn công hai người.
“Em là một cô gái rất kỳ lạ. Em có khả năng lý giải và lĩnh ngộ rất cao, thế nhưng em lại chưa bao giờ chịu hiểu và lĩnh hội những triết lý trong thế giới của người trưởng thành. Đối với vẻ đẹp của thế giới, em phát hiện nhanh hơn bất kỳ người nào khác. Nhưng đối với những sự xấu xí của con người, những khổ sở, bi thương, bất lực của cuộc sống... thì em lại không thể hiểu được một cách sâu sắc. Thầy cho rằng, một ngày nào đó, khi em hiểu được những điều này, cũng là lúc em đã trưởng thành.”(*)
Đối với Nhạc Mãn Thi mà nói, khi cô bắt đầu cảm thấy cô đơn, cảm thấy đau khổ, thì ấy cũng chính là lúc cô buộc phải trưởng thành, bỏ lại đằng sau tuổi thơ và thế giới cổ tích hạnh phúc, ngây ngô của mình. Mà người thúc đẩy quá trình trưởng thành gian nan mà đau khổ ấy của cô chính là Sở Hoài Viễn.
Sở Hoài Viễn không chỉ là thầy giáo của cô, mà anh còn là người đã có gia đình, một người vợ xinh đẹp, một cô con gái tài giỏi; chẳng những thế, cả gia đình Sở Hoài Viễn đều rất yêu mến Sở Mãn Thi, coi cô như người nhà. Đứng trước những giằng co về đạo đức, tình cảm, lý trí, cuối cùng Nhạc Mãn Thi và cả Sở Hoài Viễn đều nén đau đớn chôn chặt mối nghiệt duyên này. Họ đều hiểu, nhưng không ai nói ra, bởi sợ rằng chỉ cần bất cẩn phơi bày sự thật này, mọi chuyện sẽ không thể cứu vãn được nữa.
Nhớ rằng Sở Hoài Viễn nói với Nhạc Mãn Thi: “Cầu mong mọi sự khổ đau đều cách xa em.”(*)
Nhưng chính anh mang đến cho cô hạnh phúc, cũng chính anh mang đến đau khổ cho thể giới cổ tích của cô.
Anh nói: “Hạnh phúc của em chính là hạnh phúc của tôi, niềm vui của em chính là niềm vui của tôi. Thi Thi, vì tôi, xin em hãy tìm lại niềm vui ấy của mình.”(*)
Nhưng anh nào biết, anh đã trở thành vết thương trong lòng cô. Từ nay về sau, dù có hạnh phúc thế nào, vui vẻ đến mấy, cô cũng không thể trở lại thành cô gái Nhạc Mãn Thi tựa như ánh dương ngày ấy nữa.
Sở Hoài Viễn chuyển đi, Nhạc Mãn Thi cũng cố gắng không liên lạc với anh. Họ từng thấu hiểu nhau đến thế, đi đến những nơi đẹp nhất cùng nhau, có với nhau những kỷ niệm khó quên, nhưng cuối cùng lại trở thành xa cách đôi bờ, tận lực biến mất khỏi cuộc sống của đối phương.
Điều duy nhất mà họ mong mỏi, chỉ là người kia, dù không có mình, cũng sẽ sống thật tốt, thật hạnh phúc.
***
“Hải thượng sinh minh nguyệt” là một cuốn tiểu thuyết nhẹ nhàng, song nỗi buồn thương trong đó lại không nhẹ chút nào. Viết về đề tài tình thầy trò, hơn nữa nam chính Sở Hoài Viễn còn là người đã có gia đình, mình cảm thấy Thương Thái Vi rất mạo hiểm; bởi lẽ tình yêu trái với luân thường đạo lý thế này chỉ cần xử lý không khéo một chút thôi là sẽ khiến người đọc cảm thấy phản cảm. Thế nhưng những nhân vật trong câu chuyện này đều quá tốt, mình không thể trách ai cả.
Dù là Nhạc Mãn Thi hay Sở Hoài Viễn, họ không thể điều khiển con tim và gạt bỏ tình cảm về mối duyên nghiệt ngã kia, song họ vẫn giữ vững đạo đức và chuẩn mực làm người, ai nấy đều tận lực giấu kín, chọn cách để thời gian xoá nhoà mọi yêu thương chứ không phải kiểu bất chấp tất cả rồi làm tổn thương người ngoài cuộc.
Và đây, cũng chỉ đơn giản là mối tình thầm mến giữa hai người mà thôi, ngay cả tiếng “yêu”, từ “thích” họ cũng chưa bao giờ nói ra thì đã đôi người đôi ngả, bay tới vùng trời riêng của mình.
Đọc “Hải thượng sinh minh nguyệt”, lòng mình cứ canh cánh mãi câu thơ “Hải thượng sinh minh nguyệt/ Thiên nhai cộng thử thì”, Sở Hoài Viễn có thể là ánh trăng sáng soi cuộc đời của Nhạc Mãn Thi, song Nhạc Mãn Thi đồng thời cũng là ánh sáng dịu dàng an ủi tâm hồn anh. Cuối cùng, mỗi người cũng tìm được cho mình một con đường và hạnh phúc riêng, chỉ là trong lòng vẫn luôn có một vị trí cho người kia.
Nghe nói rằng trước khi chết, ngoài việc dặn dò và an ủi vợ con, Sở Hoài Viễn còn gọi tên một người. Chỉ là không ai nghe được anh đã gọi tên ai.
Nghe nói rằng có một vịnh biển được đặt tên là vịnh Minh Nguyệt, nhưng không ai biết tới nó, chỉ coi nó như một vịnh biển bình thường.
Có lẽ cũng không ai biết, thật nhiều năm trước đây, đã có một chàng trai và một cô gái cùng tới vịnh biển này. Khi ấy họ đều còn rất trẻ, lòng tràn đầy nhiệt huyết, hồn nhiên và chân thành.
Nghe nói rằng câu chuyện sau cuối của họ, chỉ còn lại sự hoài niệm và tiếc nuối khôn nguôi.
“Hoàng hôn sau biển người dần tàn
Ánh dương nhẹ buông trên người em thật dịu dàng
Nhưng vì sao bao hi vọng đều bị nhấn chìm
Đây chính là thời khắc cô đơn nhất hôm nay.”(**)
____
(*) Trich sách xuất bản.
(**) Lời bài hát “Thời khắc cô đơn nhất”, Chuối Tiêu Tiên Sinh dịch.
*Hình ảnh minh hoạ là bìa sách xuất bản.