“Tránh được cảnh tượng đau buồn, cũng không tránh được số mệnh đã định.
Biết bao nhiêu người việc thay đổi từ sớm đã báo trước.
Dù cho năm tháng trôi dạt như thân bèo không rễ, mỉm cười đối mặt với hoảng loạn, khích náo tranh giành.
Tìm kiếm khắp thế gian, bước trên tiền đồ rộng lớn.
Chẳng kịp nói rõ được yêu hận ra làm sao,
Đã phải chôn vùi trong tro tàn và khói lửa.” (*)
Mùa đông năm 1912, Hoàng đế Phổ Nghi thoái vị, giang sơn Đại Thanh như giọt nước trong rơi trên trang giấy, yếu ớt nhạt nhoà, mặc người tô vẽ xâu xé.
Năm ấy, trấn thủ bồi đô (**) Phủ Thuận Thiên là tiểu vương gia Hiển Sướng của dòng họ Ái Tân Giác La.
Chàng là trời, là thần, là tất thảy những gì Minh Nguyệt có.
Minh Nguyệt lên tám được cha dẫn vào vương phủ, cha cứu mạng lão vương gia nên quy tiên, nàng mất đi người thân, lại có thêm một mái nhà.
Cả tuổi thơ ấu của Minh Nguyệt đều gắn với Hiển Sướng tiểu vương gia. Thời niên thiếu cùng chơi cùng đùa, được chàng săn sóc bảo vệ, dịu dàng vô ngần, chàng luôn dùng đầu ngón tay nâng cằm Minh Nguyệt nói “Muốn ăn đòn đúng không?”, rồi lại hôn lên đó. Bất tri bất giác, sự tồn tại của tiểu vương gia đối với Minh Nguyệt đã vượt ra khỏi phạm vi có thể khống chế, khắc vào trong cốt tuỷ.
Mà tiểu vương gia lại không nghĩ được đến vậy, trước khi nhận ra tình yêu đối với Minh Nguyệt, Hiển Sướng vô tư chấp thuận hôn sự được sắp đặt, nháy mắt biến Minh Nguyệt chàng yêu thành cô gái xấu xa tranh giành địa vị. Chỉ đến khi nàng suýt chút nữa bị ép gả đi xa, Hiển Sướng mới vỡ lẽ, từ trước đến nay, người trong lòng sớm đã chỉ có mình Minh Nguyệt.
Nói đến đây, chẳng phải mọi chuyện sẽ nhanh chóng được giải quyết chỉ cần Hiển Sướng ly hôn với vương phi là xong thôi sao?
Nhưng nào chỉ có vậy, chàng là vương gia, phải có trách nhiệm với gia đình thân quyến, mà người vợ kia, cũng là gia đình của chàng. Hiển Sướng chỉ đành giữ Minh Nguyệt bên mình, không danh không phận, cho nàng tình yêu rộng lớn bao dung nhất của mình.
Theo tư duy tiến bộ, có lẽ những tình tiết này thật khó chấp nhận, thậm chí đáng coi thường, nhưng đặt trong hoàn cảnh và tín ngưỡng Hiển Sướng vẫn tôn sùng, đây chẳng còn là điều khó hiểu.
Những năm ấy, giang sơn đã đổi cờ, đại thế đã mất, thân trong loạn thế không ai có quyền lựa chọn, vị vương gia ấy chọn một mình âm thầm coi giữ non sông đã rách nát, mặc người đời đàm tiếu, phỉ nhổ là hạng nghịch tử, bất nhân.
Và, chàng đẩy minh Nguyệt ra xa.
Đưa nàng đến Nhật Bản, mang nàng đi thật xa tránh khỏi súng gươm không có mắt, hãy cứ để một mình Hiển Sướng chàng ở lại hoàn thành tâm nguyện của gia tiên. Nhưng Minh Nguyệt cô gái ấy lại nhất quyết quay về.
“Em tự do như chim sẻ, sao lại quay về nơi này?”
Phải rồi, Minh Nguyệt cớ chi phải quay lại đất nước đang trong thời kỳ loạn lạc? Cớ chi lại quay về bên người ấy?
“Tại sao tự do và hạnh phúc mãi mãi chẳng thể đơn giản và thuần túy? Sinh ra một cách tự nhiên, tập kích vào cõi lòng, làm tắc nghẹn cổ họng, cuối cùng nhuộm đẫm nơi hốc mắt, đó chính là thứ tình tự hại người ta sinh bệnh.”
Là vì đau ốm, là nhớ nhung sinh bệnh.
Minh Nguyệt biết chờ nàng ở quê nhà không chỉ tình yêu mà còn có thử thách như lửa lớn nuốt trọn, đốt cháy nàng thành tro bụi. Đó là nhục nhã từ vị vương phi luôn oán hận nàng, là những mưu toan chiếm đoạt lợi ích của tập đoàn quân phiệt, là sự sống chết của người thân cận.
Những lúc này, vương gia luôn thần kì xuất hiện trước mắt nàng, khiến nàng an tâm, bảo vệ phần thiện lương đáng quý nhất của nàng.
“Minh Nguyệt, em có tin chăng, kể từ ngày đầu tiên chúng ta gặp nhau cho đến lúc này đứng tại nơi đây,
Mỗi thời mỗi khắc ta đều thật lòng.”
Hiển Sướng, trừ bỏ những chuyện thân bất do kỷ, chàng thật ra là một nam nhi chân chính, một người đàn ông gặp chuyện không tránh né, dám gánh vác phiền phức, nhìn thì như ân đoạn nghĩa tuyệt nhưng kỳ thực lại che giấu cực khổ sau lưng. Chàng vẫn luôn như thế, không trách cứ không phát tiết, tất cả mọi chuyện đều giương vai ra gánh chịu.
Minh Nguyệt… Minh Nguyệt…
Nàng là trăng sáng bên gối tiểu vương gia, là người mà chàng trong mơ cũng không muốn tổn thương.
Ấy thế mà, vì bao hiểu lầm mâu thuẫn chồng chất, Hiển Sướng đã tự tay đẩy nàng ra một lần nữa, quan hệ hai người gần như vô phương cứu chữa. (Bài viết được post full và sớm nhất tại LustAveland)
Cũng lúc này, trong cuộc đời đơn độc của Minh Nguyệt xuất hiện thêm một người, là người đàn ông quen biết ở Nhật Bản, Azuma Shuji.
Anh là hình mẫu hoàn hảo của bao cô gái, tốt bụng lại tài hoa, có trái tim kiên nghị không chút tùy tiện và một bộ óc nghiêm cẩn tỉ mỉ, người thanh nhã như cây, đáng tin như núi. Người như vậy, tình cờ lại phải lòng Minh Nguyệt.
Vì trả ơn, cũng vì đã quá đỗi mệt mỏi, nàng quyết định ở bên Azuma Shuji, coi như tựa lưng ngả gối. Nhưng người tại đây, tim ở đâu? Trái tim ấy vẫn luôn luôn ở chỗ tiểu vương gia.
“Chuyện đến đây, độc giả có lẽ sẽ có điều chê trách với cô gái Uông Minh Nguyệt này, bởi nàng rõ ràng một lòng hướng về mối tình cũ tiểu vương gia Hiển Sướng, nhưng lại dây dưa không rõ với niềm vui mới Azuma Shuji, đây chẳng phải là hành vi của một cô gái quang minh.
Nhưng từ “quang minh” này giống như ba tảng đá rơi xuống vậy, không phải bả vai nào cũng có thể đỡ nổi.
Bản năng loài người, tự mình giải quyết.
Ai mà chẳng muốn mình được sống thoải mái, được người khác che chở yêu thương. Bởi vậy nên một bên Minh Nguyệt ôm sự sùng bái và thân mật từ nhỏ mà quyến luyến Hiển Sướng, bên kia lại cảm tạ tình thâm ý hậu và nỗi khổ tâm của Shuji. Bên này là bụi gai biển hoa, bên kia là suối chảy núi cao, bạn sẽ làm thế nào?
Uông Minh Nguyệt không quang minh là thật.
Nhưng chúng ta, những người đứng xem bên ngoài câu chuyện, cũng chưa chắc đã làm được tốt hơn.”
Thời thế loạn lạc, quân phiệt như kền kền rình mồi nhìn chằm chằm vào long mạch đất đai mà Hiển Sướng đang cẩn thận chu toàn nắm giữ.
Sau khi chính mắt chứng kiến Hoàng đế vì lợi lộc riêng mình mà giao cả giang sơn cho người Nhật, Hoàng hậu Uyển Dung bị bức đến điên dại, chàng đã luôn nghi ngờ đến tột cùng mình đang làm gì? Làm vì cái gì đây?
Một tấc giang sơn so với một đời sung sướng, rốt cuộc bên nào nặng bên nào nhẹ?
Dù cho vị vương gia ấy có chọn lựa thế nào, đất nước đã định không còn là của Đại Thanh nữa, những vàng son của hai trăm năm lịch sử rốt cuộc cũng phải đi vào dĩ vãng. Giống như nước sôi gợn lăn tăn, chưng nấu hết thảy tôn nghiêm và dấu vết của cả một thời đại, hòa tan chúng thành không khí mỏng nhẹ, chậm rãi bay lên trời, mong thần linh để mắt.
Tôi ngỡ rằng “Vị vương công cuối cùng” sẽ là một câu chuyện tình yêu bị bó buộc giữa thời đại ngột ngạt nhiễu nhương, nhưng không phải vậy, ở đây tôi cảm nhận được khao khát tự do và dám gánh vác, yêu thương vô cùng chân thành và bình đẳng, thêm chút vị đắng chát của sự bất lực trước thời cuộc.
Hơn cả một câu chuyện tình yêu, “Vị vương công cuối cùng” tựa một khúc bi ca cho triều đại đã suy tàn, về lòng trung nghĩa hiếu của một đấng nam nhi, cũng là một đoạn nhạc da diết cho tình yêu của một cô gái nhỏ bé bị xô lên đầu ngọn sóng lớn.
Thật ra đây là một câu chuyện đáng buồn, bởi vì đến cùng chẳng ai có được hạnh phúc trọn vẹn, ai cũng có khổ sở mất mát cho riêng mình, nhưng chính tình yêu của họ là khoảng yên bình quý giá giữa thời loạn lạc rối ren.
Ngoài nội dung, phần chuyển ngữ của editor vô cùng tốt, văn phong của Mậu Quyên cũng nhuốm màu hoài cổ của năm tháng càng khiến đây trở thành một tác phẩm vô cùng đáng đọc.
“Dùng hết may mắn cả đời này
Đáng tiếc chẳng chờ được đến khi gặp gỡ
Bao năm trôi qua vẫn nhớ rõ tên của em
Nếu như có thể quay lại lần nữa, tôi chỉ muốn ôm lấy em
Làm theo trái tim, nghe theo tình yêu
Dùng cả mạng của tôi.” (*)
____
(*): lời dịch “Nghe theo tình yêu” - Tào Hiên Tần (bản dịch của Chuối Tiêu Tiên Sinh)
(**): Thời phong kiến Trung Quốc có chế độ lưỡng kinh: ngoài kinh đô ra thì còn có một kinh đô phụ, gọi là bồi đô (chú thích từ editor)
“ “: Trích từ truyện.
*Hình ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ
Cre: Google/Huaban