Văn án:
Ban đầu Lam Hạo Nguyệt không thích chàng thiếu niên ấy.
Chàng cao ngạo tự kiêu, không để ý tới cảm nhận của người khác, thậm chí chưa bao giờ nhìn thẳng vào mắt nàng một lần.
Mãi đến đêm trăng hôm ấy, nàng ngã trong rừng, quần áo xốc xếch, chàng thiếu niên nghe tiếng mà tới, nhưng lại chẳng hề tránh né, đi thẳng đến.
Lam Hạo Nguyệt trách móc, giận chàng ngạo mạn vô lễ.
Lúc này chàng mới từ tốn bảo: “Cô yên tâm, mắt tôi đã mù.”
Dưới núi Nga Mi, nàng ngạc nhiên hỏi: “Tại sao sư huynh, sư tỷ của anh đều xuất gia hết vậy?”
Chàng vẫn bình tĩnh như trước, hỏi ngược lại: “Chẳng lẽ cô không biết Thần Tiêu cung vốn là nơi Đạo gia thanh tu?”
Chàng không cha không mẹ, chẳng biết tại sao có mặt trên đời, cũng không hiểu tình yêu là gì, chỉ biết luyện kiếm, tu đạo.
Như hồ sen xanh, tĩnh mịch lững lờ.
***
Có một hồ sen tĩnh lặng mãi chìm trong bóng đêm u tối, chưa từng hé nở một đóa sen thơm.
Bỗng một ngày, mặt trăng đi qua soi sáng hồ nước tịch mịch ấy.
Trăng nói, trăng muốn ở lại nơi đây cả đời.
…
Lam Hạo Nguyệt sẽ chẳng bao giờ quên lần đầu tiên gặp chàng dưới ánh trăng Đường môn. Tiếng sáo của chàng như nhuộm say cả non xanh nước biếc, còn đôi mắt tựa hồ đã nhìn thấu bãi bể nương dâu của một đời.
Chàng tuấn tú mà lãnh đạm, cô độc mà ngạo mạn, như giếng cổ ngàn năm không cách nào gợn sóng, lạnh lẽo đến thấu xương.
Nàng đã từng khó chịu khi chàng luôn tỏ vẻ thanh cao không nhìn thẳng vào người khác, từng cảm thấy xấu hổ khi thấy cô bé gọi chàng là tiểu sư thúc lại chẳng giữ khoảng cách với chàng. Để đến khi biết mắt chàng không nhìn thấy, tất cả bỗng hóa thành gượng gạo và bi ai.
Chàng lạnh lùng với đời, nhưng với người thân lại chân thành hết mực. Chứng kiến chàng dù không biết đường vẫn bất chấp đi tìm kiếm sư điệt, hay quỳ xuống vũng nước hôi thối chỉ để tìm thấy bia mộ của ông mình - giờ đã là một tấm gỗ mục nát, khiến lòng nàng trào dâng những cảm xúc thật lạ kỳ. Vừa là rung động, lại là xót xa. (Bài viết được post full và sớm nhất tại Reviewtruyen247)
Rồi cảm xúc kia ngày một lớn dần, bỗng hóa thành tình yêu, đem bóng hình cô độc ấy khắc sâu vào trong tâm trí nàng.
Nàng từ nhỏ đã mồ côi mẹ, lại hay xung khắc với cha, tính tình bướng bỉnh, yêu hận rõ ràng, một khi đã nhận định điều gì sẽ không bao giờ thay đổi.
Dù chàng đầu gỗ chẳng hiểu phong tình, mỗi lần gặp nàng lại như nước với lửa, nhưng nàng vẫn cứ kiên trì thích chàng như thế. Đợi hoài đợi mãi, cuối cùng nàng cũng đợi được câu nói thật lòng của chàng.
“Trong lòng tôi, em cũng không giống những người khác.”
Câu nói nhẹ nhàng dung dị như gió thoảng bên tai ấy lại khiến lòng nàng chua xót, lệ tràn bờ mi.
Nàng yêu chàng có gì sai đâu, sao đời lại bất công đến thế? Đem hết thảy những khó khăn trắc trở dành trọn cho chuyện tình của nàng?
Nhưng nàng vốn là một cô nương liều lĩnh, một khi đã yêu là yêu hết mình. Dù ai nói ngả nói nghiêng, dù trải qua muôn trùng cách trở, lòng nàng vẫn mãi hướng về chàng.
“Em muốn vĩnh viễn ở bên chàng.”
“Em muốn sinh cho chàng một cục cưng, em muốn cùng chàng trở về Lĩnh Nam, xây dựng gia đình.”
Nào có ai ngờ, chỉ vì nguyện vọng đơn giản nhất ấy thôi, đã vĩnh viễn mang chàng rời xa nàng. Chàng đi mất, lòng nàng cũng chết lặng từ đây…
…
Chàng tên Trì Thanh Ngọc, cái tên đẹp đến thế nhưng số phận lại quá đỗi bi thương.
Chàng là một sinh mệnh không ai cần, ra đời bất chấp hai bát thuốc phá thai của mẹ. Từ nhỏ chàng bị cha mẹ ruồng bỏ, được ông nội nhặt về nuôi lớn dưới cái chòi xập xệ. Tuổi thơ của chàng trôi qua không mấy êm đềm khi lũ trẻ trêu chọc chàng, gọi chàng là “thằng mù”. Nhưng may mắn chàng vẫn có ông nội, dù thiếu thốn vẫn luôn cố gắng đem đến cho chàng những niềm vui nhỏ nhoi.
Rồi ông nội mất đi, chàng được sư phụ nhận làm đệ tử, một lần nữa cứu vớt cuộc đời chàng.
Tuổi chàng chỉ vừa tròn đôi mươi, nhưng lòng đã sớm thấu được thế gian nóng lạnh. Dù cơ thể khiếm khuyết, chàng vẫn chưa bao giờ từ bỏ lòng tự tôn. Chàng thà quét tuyết để xin nửa cái bánh bao, còn hơn là làm ăn mày cho người ta thương hại.
Chẳng ai hay ai biết, ở Thần Tiêu cung có một người đệ tử tâm lặng như nước, lặng lẽ khép mình xa lánh thế nhân, như hồ sen xanh tịch mịch, lững lờ.
“Không dùng hai mắt nhìn tục nhân,
Năm sông bốn biển, vẫn một thân.
Sâu thẳm động tiên, không người đến,
Đào trên lạch kia, đã mấy xuân?”
Có lẽ cuộc sống của chàng sẽ mãi như thế nếu không gặp nàng, bị nàng kéo vào chốn hồng trần cuồn cuộn. Nàng khiến chàng say trong ái tình, rồi chìm sâu vào đó không cách gì có thể trở ra.
Từ khi nào mà khiếm khuyết trên cơ thể bỗng nhiên trở thành nỗi tự ti của chàng?
Từ khi nào mà một người hờ hững với việc sống chết như chàng lại bắt đầu cảm thấy lo sợ?
Từ khi nào mà chàng gạt đi cái tôi của mình, quỳ gối cầu xin cha nàng?
Tình yêu của chàng vụng về ngây ngô nhưng hết mực chân thành. Tuy hai mắt không thể nhìn, chỉ có thể dùng tai để nghe, dùng tay để cảm nhận, nhưng chàng vẫn cố gắng hết sức để bảo vệ nàng bình yên. Dù hai người thân phận cách trở, khó khăn chất chồng, nhưng chàng vẫn không quên lời hứa rằng sẽ mãi ở bên nàng.
Nhưng sự đời nào có ai ngờ, biến cố cứ liên tục ập đến, ngăn trở tình yêu của hai người. Nàng mất cha, cả người suy sụp. Đường môn mang nàng đi, chàng chẳng thể cản.
Mất nàng, chàng cũng như đánh mất chính mình. Tự tay chàng phế đi đôi mắt, một lần nữa khép chặt cửa trái tim, đóng luôn cả thế giới của chàng.
Nhưng chữ tình nào dễ dàng xóa bỏ. Dù chàng cố gắng khép mình lại, nhưng không thể ngăn được nỗi nhớ nàng mãi âm ỉ trong tim.
Ngày nàng thành thân, chàng chỉ dám chen chân trong đám đông, lặng lẽ lắng nghe âm thanh của nàng. Nào ngờ đến cuối cùng lại là nàng chạy trốn lễ bái đường, một thân hỷ phục chạy đến bên chàng...
…
“Hỏi thế gian tình ái là chi?
Mà đôi lứa thề nguyền sống chết.” (*)
Trì Thanh Ngọc cũng vậy mà Lam Hạo Nguyệt cũng thế. Giữa chốn giang hồ muôn vàn hiểm nguy, trước sự ngăn cản của biết bao người, họ vẫn đến bên nhau, thề nguyện yêu thương nhau suốt đời suốt kiếp.
Chuyện tình của họ gặp muôn vàn trắc trở bởi quan niệm của thế tục, bởi những oán hận tình thù, nhưng may mắn họ tìm lại được nhau, cùng nắm tay nhau đi đến cuối cuộc đời.
Trì Thanh Ngọc là một trong những nam chính đáng thương nhất mình từng đọc. Chàng vẫn sống mặc cho cuộc đời đầy rẫy bất công và bi kịch. Mắt chàng mù lòa nhưng nội tâm lại sáng và đẹp hơn bất kỳ ai.
Điều đau đớn nhất chính là, chàng yêu nàng nhưng chẳng thể nhìn thấy được dáng vẻ của nàng. Đoạn chàng cầm lấy cổ tay Lam Hạo Nguyệt đặt trước mặt mà gào khóc trong tuyệt vọng, chàng khiến nàng đau lòng, cũng khiến độc giả xót xa.
“Hạo Nguyệt, chỉ xin em để tôi được nhìn một lần, chỉ cần nhìn thấy một lần! Tôi sẽ tự rời đi, tôi chỉ muốn biết hình dáng em, tôi muốn biết hình dạng của thế giới này!”
Càng thương Thanh Ngọc, mình lại thêm cảm phục Hạo Nguyệt khi dám theo đuổi tình yêu của mình đến cùng. Nàng là ánh trăng soi sáng cuộc đời u tối của Thanh Ngọc, đem ấm áp đến bên chàng. Chàng không nhìn thấy, thì nàng sẽ giúp chàng nhìn rõ thế gian.
Hai người ở bên nhau, dù ngọt ngào nhưng vẫn khiến tim mình quặn thắt. Vì không biết những cạm bẫy gì sẽ đón chờ họ sắp tới, vì thương cảm bởi cuộc tình đầy chông chênh.
Mọi bí mật sẽ dần được sáng tỏ, về thân thế của Trì Thanh Ngọc, hay ân oán và những câu chuyện trong chốn giang hồ cạm bẫy trùng trùng kia.
Giọng văn tác giả mỹ miều giàu cảm xúc, cộng thêm bản edit đầy chất thơ làm cho tác phẩm thêm phần hấp dẫn, chắc chắn sẽ khiến bạn hài lòng.
Khép lại chương cuối cùng của truyện, tâm trí mình vẫn cứ văng vẳng tiếng nói của Hạo Nguyệt cùng lời hứa hẹn của Thanh Ngọc.
“Thanh Ngọc, chàng phải đồng ý với em, dù người khác có nói như thế nào, chàng và em cũng phải ở bên nhau”
“Tôi đồng ý với em”
Sen đã nở rộ, trăng đã lên cao. Cuối cùng chàng đã đợi được nàng rồi!
____
Chú thích:
“ ” : trích từ truyện
(*) : trích trong bài từ trong tác phẩm Mô ngư nhi - nhạn khâu của nhà văn Nguyên Hiếu Vấn (1190-1257), cũng là câu kinh điển của Lý Mạc Sầu trong tiểu thuyết Kim Dung.
RV: Thơ Tú Nữ
*Hình ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ
Cre: Google/Huaban