VỚI TAY BẮT LẤY VÌ SAO
Tác giả: Đại Giang Lưu
Thể loại: Hiện đại, thực tế, nam nữ cường, HE
Độ dài: 53 chương + 1 phiên ngoại
Tình trạng: Hoàn edit - có ebook
***
Văn án:
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc thì trong 100.000 vụ án hiếp dâm thì tỷ lệ ở Ấn Độ là 18 trường hợp, Hoa Kỳ là 27 trường hợp, trong khi đó Thụy Điển lên đến 63 trường hợp.
Theo Thời Báo Hoàn Cầu.
Chỉ có 15% các vụ hiếp dâm và 12% hiếp dâm không thành công bị tố giác. Chỉ có 6% tội phạm hiếp dâm bị bỏ tù.
Sau khi bị hãm hiếp thì người bị hại thường mắc chứng trầm cảm cao hơn gấp 3 người thường, có thể bị rối loạn căng thẳng gấp 6 lần người thường, khả năng tự tử cao hơn người thường đến 4 lần.
Mọi số liệu đều cho thấy những việc liên quan đến hiếp dâm đều là điều khủng khiếp.
Nếu như bị hiếp dâm thì bạn sẽ làm gì? báo án? kiên trì đến cùng? Bạn có chống lại sự chỉ trích chửi rủa và đùa cợt?
Cao Ca: Đương nhiên tôi sẽ làm vậy. Tôi là phụ nữ, tôi xinh đẹp, tôi mặc váy, tôi trang điểm, tôi không có tiền nên đi làm, điều này không thể trở thành lý do đáng bị hãm hiếp không thể phô bày. Tôi không sai! Tôi nên đòi lại lẽ phải cho mình.
1. Hiện thực xã hội.
2. Cao Ca dùng pháp luật bảo vệ mình, cũng sẽ gặt hái được tình yêu.
3. Cầu mong tất cả mọi cô gái đều tránh xa những chuyện đau buồn này.
***
Trước khi vào nội dung câu chuyện, mình muốn nói đến một confession mình được đọc cách đây không lâu. Chủ cfs là nạn nhân của một vụ cưỡng hiếp, cô ấy và người nhà đã dũng cảm đứng lên tố cáo và cô ấy thắng kiện. Đáng lẽ với những gì đã trải qua, cô ấy nên được mọi người chia sẻ, thông cảm, yêu thương và bảo vệ.
Nhưng suốt quãng thời gian sau đó, những thứ mà cô ấy được nhận lại là thắc mắc trong đau đớn: Tại sao sau bao nhiêu năm, tại sao người gây ra tội lỗi sau khi ra tù vẫn cứ cưới vợ, sinh con, sống an nhàn, vui vẻ. Còn cô ấy lại phải sống trong sự gièm pha, khinh khi và con mắt hằn học của người đời?
Khi đọc xong cfs đó mình đã liên tưởng đến ngay cuốn tiểu thuyết này. Một cuốn tiểu thuyết kể về quá trình đấu tranh của nạn nhân bị cưỡng hiếp, sự chống lại những khắc nghiệt của hoàn cảnh, của con người. Và cũng chính là lời cáo buộc cho sự bất công, phản ánh “căn bệnh tâm hồn” đang còn tồn tại trong xã hội hiện nay: VICTIM BLAMING – Đổ lỗi cho nạn nhân.
***
Trở lại nội dung câu chuyện, nữ chính Cao Ca là hình mẫu mà bao chàng trai mơ ước, bao cô gái khác ngưỡng mộ và ghen tị: một sinh viên năm ba tuy gia cảnh khó khăn nhưng giỏi giang, xinh đẹp và còn là một MC tài năng.
Cao Ca có một cuộc sống vui vẻ, yên bình bên những người bạn thân và một tình yêu giản đơn với người bạn trai chăm sóc tận tình. Rồi một ngày định mệnh khi tỉnh lại, tất cả những điều đó đều sụp đổ trước mắt Cao Ca – ngày cô bị cưỡng hiếp.
Triệu Bân là một công tử nhà giàu, hắn đem lòng mến mộ và theo đuổi Cao Ca đã lâu nhưng không được đáp lại. Sự từ chối của Cao Ca khiến Triệu Bân sinh hận và lên kế hoạch chuốc thuốc, xâm hại cô.
Hắn vứt Cao Ca lại nơi đường vắng, nơi cô phải chịu đựng nỗi đau không chỉ là thể xác mà là cả nỗi đau từ trái tim. Khác với dự đoán của Triệu Bân, Cao Ca không im lặng, cô đã bỏ qua sự đớn đau của mình để công khai đứng lên tố cáo.
Khi Cao Ca yếu đuối nhất, đau đớn nhất, cần sự động viên an ủi nhất và đồng thời khi cô phải hứng chịu những lời gièm pha, bôi nhọ, sỉ nhục, chịu những búa rìu của dư luận thì những người thân thuộc của cô đang ở đâu và đã làm gì?
Bạn thân của cô vì sợ hãi và vì tiền đã phản bội; bạn trai chỉ vì thể diện mà chạy đi khuyên cô giữ im lặng và thỏa hiệp. Và càng đau đớn hơn khi chính người nhà vì đồng tiền, vì cái lợi trước mắt đã bắt cô rút đơn kiện, làm chứng, dựng chuyện tố cáo cô.
Cao Ca đã phải tận mặt chứng kiến người cha nhu nhược và người bà đáng ghê tởm của mình làm những việc như vậy. Mạnh mẽ nuốt nước mắt, Cao Ca chỉ biết thốt lên với mọi người xung quanh cô rằng:
“Tôi chỉ muốn hỏi, tôi đã làm sai điều gì mà phải bị đối xử như thế? Tôi không nên báo cảnh sát ư? Tôi không nên đưa hung thủ ra ánh sáng sao? Phải nên chứ. Nếu tôi không nói câu nào, cô ấy không nói câu nào, vậy thứ bại hoại như Triệu Bân sẽ gieo họa cho bao nhiêu người nữa đây.
Trên thế giới này có rất nhiều chuyện bàn tán, duy chỉ có chuyện này là không buồn cười, bởi vì nó là vết thương của một cô gái. Tôi sẽ không thỏa hiệp, dù các người bêu xấu nhục mạ tôi hay dùng bạo lực với tôi, tôi sẽ chống lại các người đến cuối, có bản lĩnh thì giết tôi đi.
Ngoài cái đó ra, tôi sẽ dốc hết toàn lực, đưa Triệu Bân vào ngục giam.”
Trong suốt những ngày tháng tối tăm đó, khi người thân, người yêu quay lưng thì may mắn thay Cao Ca vẫn còn có Tống Phỉ đồng hành.
Trước khi nhận vụ án của Cao Ca, Tống Phỉ luôn giữ nguyên tắc chỉ nhận biện hộ cho những kẻ giàu có và anh luôn thắng kiện. Anh nhận vụ án của Cao Ca đơn giản chỉ vì anh muốn lấy lại danh tiếng của mình khi bị thất bại trong một vụ án trước đó.
Nhưng ngày qua ngày, anh chứng kiến tất cả những gì Cao Ca gánh chịu, những gì cô đã vượt qua và những cố gắng hết mình chống lại bất công xã hội của cô. Tất cả những nhiều đó đã làm anh thay đổi nguyên tắc của mình và anh nhận ra mình đã rung động trước một Cao Ca lý trí, dũng cảm và kiên cường này.
Và từ đó Tống Phỉ đã che chở, bảo vệ và trở thành chỗ dựa tinh thần cho Cao Ca, đồng hành cùng Cao Ca bước qua những bão giông, bước qua những ngày tháng ác mộng để cùng nhau vạch trần những góc tối xấu xa, sự bạc bẽo của con người, của xã hội.
Trong tất cả các tiểu thuyết mình đã đọc, Cao Ca là hình tượng nữ chính mình yêu thích và khâm phục nhất. Mình cảm phục sự kiên cường, mạnh mẽ không lùi bước và khâm phục nguyên tắc sống, sự quý trọng giá trị bản thân của cô ấy.
Khi Cao Ca vượt qua tất cả, được sống những ngày tháng hạnh phúc, mình ấn tượng sâu sắc với chia sẻ của Cao Ca trước các bạn sinh viên với vai trò người tuyên truyền chống xâm hại:
“...Đúng thế, báo cảnh sát sẽ khiến chị mất đi rất nhiều thứ, danh tiếng, bạn bè, cuộc sống yên tĩnh. Nhưng vấn đề là ở chỗ, nếu không báo cảnh sát thì chị sẽ mất điều gì. Im lặng sẽ bảo vệ được mình, đồng thời cũng giam cầm mình.
Chị sẽ đánh mất bản thân, sẽ bị hủy hoại, chị sẽ trở thành một người dù nhìn bên ngoài là bình thường nhưng trong lòng đã tự động trục xuất bản thân. Lựa chọn của mỗi một người sẽ không giống nhau, chị cũng không cho rằng tất cả mọi người đều phải đứng lên, nhưng đối với chị mà nói, những điều ấy là quan trọng hơn.
Không phải vì bây giờ chị sống rất tốt mà nói như thế, mà bởi vì chị đã từng là người như vậy nên mới sống tốt...”
Với mình, truyện tuy ngắn nhưng nội dung hay, ý nghĩa. Tác giả Đại Giang Lưu đã dùng ngòi bút tinh tế và giọng văn lôi cuốn để làm nổi bật lên tính cách từng nhân vật, lột tả được nỗi đau của nạn nhân, sự bất công của xã hội và như đã nói ở đầu bài viết, tác giả đã lên án thành công “căn bệnh tâm hồn” VICTIM BLAMING – Đổ lỗi cho nạn nhân. Với cuốn tiểu thuyết này, mình nhiệt liệt đề cử mọi người dành thời gian để đọc và nghiền ngẫm.
_________
" ": trích từ truyện
Review by #Hạ_An Tú Nữ
Bìa: #Lệ Tần
*Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Cre pic: Google/huaban