"Thanh xuân" - chỉ hai từ đơn giản thôi lại có thể khơi lên trong lòng người ta những cảm xúc bồi hồi và hoài niệm vô hạn. Bởi có lẽ đối với rất nhiều người, hai chữ ấy chứa đựng tất cả những ngây ngô dại khờ của tuổi trẻ cùng với bao lần lầm lỡ, vấp ngã mà họ đã từng trải qua. Cũng có lẽ bởi vì chính những năm tháng thanh xuân bồng bột ấy mà con người ta mới có thể trưởng thành. Và "Tai Trái" chính là câu chuyện về con đường trưởng thành của bốn con người tưởng chừng như sẽ chẳng bao giờ quen biết, nhưng lại bị vận mệnh đưa đẩy đến bên nhau.
* * *
Thanh xuân của họ có hương vị của tình yêu.
Lý Nhị là một nữ sinh bình thường như bao nữ sinh khác, cô có một gia đình đầy đủ hạnh phúc, cũng là một học sinh chăm ngoan điển hình được thầy cô quan tâm. Điều khác biệt duy nhất ở Lý Nhị chính là tai trái của cô do bị bệnh nên không thể nghe tốt, nhưng chút khuyết điểm ấy không đáng để cô bận tâm, Lý Nhị vẫn là một cô gái mười bảy tuổi đơn thuần yêu bản thân, ngày ngày phấn đấu học tập vì tương lai.
Và cũng như mọi cô gái ở cái tuổi mộng mơ ấy, trong lòng Lý Nhị cũng âm thầm ôm ấp một bóng hình. Người con trai ấy mang tên Hứa Dực, người con trai ấy đem lại cho cô những cảm giác xao xuyến rung động đầu tiên trên đời. Những dòng cảm xúc ấy tựa như những sắc màu thắm tươi tô điểm lên thế giới giản đơn của Lý Nhị. Nhưng trong mắt cô, chàng trai ấy quá xuất sắc, xuất sắc đến mức cô không có can đảm đến gần. Lý Nhị khi ấy đã lựa chọn giấu kín tình cảm ấy cho bản thân.
Và rồi Hứa Dực cũng yêu một người con gái, một người con gái có nụ cười rạng rỡ như đóa hoa miền nhiệt đới. Người cậu yêu là Lê Ba Lạp, một cô gái nổi tiếng ăn chơi hư hỏng. Đó là cách Lý Nhị biết đến cái tên Lê Ba Lạp.
* * *
Thanh xuân của họ có hơi ấm của tình bạn.
Khác hẳn với thế giới đơn sắc của Lý Nhị, thế giới của Lê Ba Lạp là một bức tranh rực rỡ tràn ngập sắc màu. Đó là màu lục từ viền kẻ mắt của cô ấy, là màu sắc từ ánh đèn quán bar mà cô ấy hát hàng đêm, là màu sắc từ những bộ áo váy trang điểm mà cô ấy khoác lên người.
Lý Nhị là cô gái hiền lành ngoan ngoãn, còn Lê Ba Lạp lại là loại con gái hư hỏng phức tạp mà mọi người muốn tránh xa. Hai người họ ngay từ đầu đã đã được định sẵn là hai loại người khác biệt, nhưng giữa hai con người khác biệt ấy lại nảy sinh một tình bạn chân thành và đẹp đẽ. Một tình bạn chẳng có sự toan tính và lợi dụng chỉ có sự chở che và thấu hiểu.
Ba Lạp khiến Lý Nhị trở nên mạnh mẽ hơn. Lý Nhị khiến Ba Lạp tin tưởng vào sự thiện lương của lòng người.
Với một đứa trẻ lớn lên trong những lời miệt thị chán ghét như Ba Lạp, yêu thương vốn dĩ là một thứ quá xa xỉ, nhưng Lý Nhị đã khiến Ba Lạp tin rằng trên thế giới này vẫn còn một người quan tâm lo lắng cho cô ấy. Ba Lạp vốn không tin tưởng vào tình yêu, nhưng lại đồng thời thèm khát cái cảm giác được yêu thương. Và rồi khi Ba Lạp xác định được tình yêu của mình, cô ấy đã điên cuồng mà cố chấp lao vào người con trai ấy.
* * *
Thanh xuân của họ mờ mịt và mù quáng.
Trương Dạng không phải là một người tốt, Ba Lạp biết rõ điều đó ngay từ lần đầu tiên cô nhìn thấy anh. Nhưng chính cái sự xấu xa ẩn giấu trong Trương Dạng đã khiến Ba Lạp yêu anh cuồng say ngay từ lần đầu gặp mặt.
“Nếu dùng một câu cực kỳ triết lý mà nói, nếu anh ta là lửa, thì tôi đây giống như con thiêu thân ngu ngốc bất kể hậu quả lao vào.”
Ba Lạp yêu Trương Dạng một cách mù quáng, mù quáng đến mức khi anh ấy đưa cô một điều kiện không mấy tốt đẹp để đổi lấy cái danh hiệu bạn gái, Ba Lạp vẫn chấp nhận dù biết rằng điều ấy là sai lầm. Trương Dạng muốn Ba Lạp quyến rũ Hứa Dực, biến Hứa Dực từ một học sinh xuất sắc trở thành một kẻ ăn chơi trác táng.
Sở dĩ Trương Dạng có thể nói ra một yêu cầu tàn nhẫn đến như vậy chính là vì anh hận Hứa Dực, hay nói đúng hơn anh hận người mẹ ruột đã vứt bỏ cha con anh để đi theo cha Hứa Dực. Trong khi anh phải sống một cuộc sống khổ cực đến mức phải lợi dụng người bạn gái nhà giàu Tưởng Giảo để có thể có thể tiếp tục đi học, thì Hứa Dực được sống thoải mái trong tình thương và sự bảo bọc của mẹ. Anh hận tất cả bọn họ, vì vậy anh muốn phá hủy cuộc sống của họ.
Trương Dạng muốn trả thù, vì vậy anh lợi dụng Ba Lạp. Trương Dạng muốn tương lai, vì thế anh lợi dụng Tưởng Giảo. Trương Dạng muốn thành công, muốn tiền bạc, muốn một cuộc sống tốt đẹp. Anh muốn quá nhiều thứ, để rồi khi có được những thứ đó, anh lại mất đi người con gái mà anh đã thật lòng yêu thương.
Lê Ba Lạp cuối cùng cũng thành công thực hiện được yêu cầu của Trương Dạng, thành công khiến con đường tương lai tươi sáng của Hứa Dực trở thành ngõ cụt, thành công khiến gia đình hạnh phúc của Hứa Dực tan vỡ. Chỉ là dù có đáp ứng được điều kiện của Trương Dạng, Ba Lạp vẫn chẳng thể có được tình yêu mà bản thân mong muốn.
“Vì sao tình yêu tuổi trẻ của chúng ta đều là thứ tình cảm không thể cứu vớt?”
Và rồi những ngày tháng cấp Ba qua đi, đã đến lúc họ đối mặt với cánh của đại học. Hứa Dực đặt chân vào đại học với nỗi đau từ một gia đình tan vỡ và những khoản nợ gồng gánh trên vai. Lý Nhị trong lòng vẫn mãi ôm mối tình đơn phương năm nào, cô thành công đỗ vào một trường đại học cùng thành phố với Hứa Dực. Trương Dạng cũng có được một cánh cửa tương lai rộng mở như mình mong muốn. Còn về Ba Lạp, cuộc sống của cô ấy đã mãi mãi dừng lại ở những năm tháng tuổi xuân rực rỡ.
Khi Ba Lạp nói với Lý Nhị những lời cuối cùng trước khi ra đi, cô ấy đã cố ý nói về bên tai trái của Lý Nhị. Cả đời này Lý Nhị sẽ chẳng thể biết được ngày hôm ấy Ba Lạp đã nói gì với mình, nhưng có lẽ trái tim cô ấy đã cảm nhận được sự yêu thương mà Ba Lạp dành cho mình.
“Tai trái ở gần tim, vì vậy hãy nói những lời ngọt ngào ở tai trái.”
Cái chết của Ba Lạp trở thành một vết thương đau âm ỉ trong lòng Lý Nhị, nhưng thời gian sẽ không vì nỗi đau của bất cứ ai mà dừng lại, bọn họ vẫn sẽ phải tiếp tục bước trên con đường trưởng thành.
Lý Nhị cuối cùng cũng có đủ can đảm để thổ lộ Hứa Dực, tưởng chừng như cô ấy đã có được hạnh phúc mà mình mong chờ bao lâu nay, nhưng cô ấy lại quên mất rằng khi mà tình cảm chỉ đến từ một phía thì tình yêu ấy sẽ mãi chẳng thể vững bền. Mặt khác, sự ra đi của Ba Lạp giống như một sợi dây trói buộc Lý Nhị và Trương Dạng với nhau.
Câu chuyện về sau bọn họ, tôi xin phép được để cho các bạn tự mình đọc và cảm nhận. Tôi chỉ muốn nói rằng, trong những năm tháng ấy, bọn họ đã từng trải qua những ngọt bùi đắng cay của cuộc sống, đã từng chìm trong cảm giác hoang mang lạc lối. Trong những năm tháng ấy, bọn họ đã học được cách yêu thương, học được cách buông bỏ, học được cách vượt qua những khó khăn trên đường đời.
Thanh xuân của bọn họ có ngọt ngào, có khổ đau, có sa ngã lầm lỡ, có những điều tiếc nuối chẳng thể nào vãn hồi. Nhưng đó chính là thanh xuân, đó chính là trưởng thành.
“Con đường của thanh xuân không có đèn đỏ
Càng đi càng nhanh em rồi cũng sẽ trở thành người từng trải.” (*)
* * *
Một trong những điều khiến tôi ấn tượng nhất trong “Tai Trái” chính là cách tác giả xây dựng nên những nhân vật. Xuyên suốt bộ truyện, câu hỏi bật lên trong đầu tôi nhiều nhất chính là “Những nhân vật của "Tai Trái" tốt hay xấu? Những điều họ làm là đúng hay sai?” Vào những phân đoạn đầu của bộ truyện, tôi đã cảm thấy khá phản cảm với những hành động của Ba Lạp và Trương Dạng. Nhưng càng đọc sâu vào câu chuyện, khi nhìn mọi thứ một cách khoan dung hơn, tôi đã nghĩ rằng có lẽ bọn họ cũng chỉ là những con người nhỏ bé bị dòng đời này xô đẩy. Và tôi tin rằng trong mỗi nhân vật của “Tai Trái” đều tồn tại một phần tốt đẹp thuần khiết.
“Tai Trái” là bộ truyện thanh xuân vườn trường thực tế hơn rất nhiều những bộ truyện khác cùng thể loại. Theo một cách nào đó, “Tai Trái” đối với tôi giống như một bộ truyện về “trưởng thành” hơn là về “thanh xuân”. Câu chuyện trong “Tai Trái” tựa như một mảng màu xám tối tăm giữa những năm tháng tươi đẹp rực rỡ nhất của đời người. Và nhân vật của “Tai Trái” không phải là những con người tốt đẹp hoàn mỹ, họ mắc phải những sai lầm và những lần sa ngã chẳng thể vãn hồi. Nhưng đó chính là những điều khiến “Tai Trái” tạo nên một dấu ấn khác biệt khó quên trong lòng tôi.
_______________
“ ”: trích dẫn từ truyện
*: trích từ lời bài hát Tai Trái - Triệu Vy
Review by #Niệm Dung Hoa
*Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Cre pic: Google/huaban